Khó khăn của bà mẹ mới sinh con
Vợ chồng Ei Thandar Soe có một bé gái chào đời ở Nhật Bản vào tháng 2 năm 2023, khoảng 7 năm sau khi từ Myanmar đến Nhật Bản với tư cách là thực tập sinh kỹ năng. Với họ, làm cha mẹ là việc thật khó khăn. Do công việc, chồng của Ei Thandar Soe sống cách nhà một tiếng rưỡi đi tàu, nên cô thường phải một mình chăm sóc con gái sơ sinh.
Làm mẹ ở Nhật Bản, Ei Thandar Soe phải đối mặt với những giấy tờ và thủ tục phức tạp hơn ở Myanmar. Cô cho biết ở Myanmar, khi sinh con chỉ phải làm một loại giấy tờ. Còn ở Nhật, cô nhận được rất nhiều giấy tờ, từ hướng dẫn chung về nuôi dạy con đến thông tin tiêm chủng cho trẻ sơ sinh. Với cô, rất khó biết được giấy tờ nào là quan trọng nhất.
Cứu cánh
Đó là lý do tại sao Ei Thandar Soe rất biết ơn khi có được sự giúp đỡ của cô Tsubonoya Tomomi, người đứng đầu một tổ chức phi lợi nhuận hỗ trợ các bà mẹ nước ngoài. Từ việc giúp đỡ làm thủ tục giấy tờ cho đến việc cùng cô đi gặp bác sĩ, cô Tomomi đã có mặt để hỗ trợ Ei Thandar Soe trước và sau khi sinh.
Tomomi cho biết động lực khiến cô muốn giúp đỡ các bà mẹ nước ngoài xuất phát từ những trải nghiệm của bản thân khi lớn lên ở Hong Kong và Vương quốc Anh. Cô nói rằng sẽ không bao giờ quên việc mẹ cô, người không thể nói được tiếng Anh, đã vất vả như thế nào để nuôi 2 chị em cô.
Tomomi tiếp tục làm việc tại một trường mầm non ở Nhật Bản, nơi cô tận mắt chứng kiến sự thiếu hỗ trợ dành cho các bà mẹ nước ngoài gặp khó khăn về tiếng Nhật. Có khi có những người phải chuyển từ bệnh viện này sang bệnh viện khác do rào cản ngôn ngữ và thiếu dịch vụ dịch thuật. Có nơi, nhân viên còn coi những cân nhắc vì lý do tôn giáo là xuất phát từ sự ích kỷ.
Hỗ trợ đa ngôn ngữ
Tomomi cho biết cô cảm thấy cần làm điều gì đó để giúp đỡ họ. Thế là vào năm 2020, cô thành lập tổ chức phi lợi nhuận mang tên Mother’s Tree Japan. Hiện nay, tổ chức đã lớn mạnh với 40 thành viên cùng các chuyên gia như giáo viên mầm non, nữ hộ sinh và thông dịch viên y tế hỗ trợ bằng 12 ngôn ngữ. Đến nay, họ đã giúp đỡ cho hơn 1.500 bà mẹ.
Tomomi nói: “Sản phụ sống ở nước ngoài thường cảm thấy lo lắng nhiều hơn. Chúng tôi cố gắng ở bên cạnh họ và khích lệ họ thoải mái nói ra những lo lắng của mình. Tôi tin rằng việc họ cảm thấy được đón nhận cùng với văn hóa của mình quan trọng hơn là ngôn ngữ”.
Một trong những thành quả hoạt động của nhóm là loạt bảng chỉ tay các câu giao tiếp thường gặp về chủ đề sinh nở dành cho các sản phụ. Mục đích là để giúp họ truyền đạt những vấn đề mà họ thấy quá ngượng ngùng hoặc khó diễn tả do khả năng tiếng Nhật hạn chế. Sản phụ chỉ cần chỉ vào hình ảnh tương ứng với vấn đề của mình, ví dụ như bị vỡ ối hay cảm thấy đau mỏi trong người.
Các bảng này được làm với sự hợp tác của nhân viên tình nguyện có kinh nghiệm sinh con ở nước ngoài cũng như của các bà mẹ nước ngoài sống ở Nhật Bản. Có thể tải miễn phí từ trang web của Mother’s Tree Japan. Một số bệnh viện, phòng khám và chính quyền địa phương cũng đã bắt đầu sử dụng các bảng này.
Một vấn đề khó khăn nữa đối với các bà mẹ nước ngoài là tìm cách tiếp cận thông tin và công cụ hữu ích. Nhật Bản cung cấp hướng dẫn đa ngôn ngữ và các nguồn lực khác, nhưng có thể khó biết cách tìm những thông tin đó ở đâu. Một số gia đình có thể không tải xuống và in tài liệu ra được. Để giải quyết vấn đề này, Mother’s Tree Japan biên soạn, in ấn và gửi tài liệu cho các bà mẹ. Tomomi cho biết cô muốn những bà mẹ có trình độ tiếng Nhật hạn chế cũng nhận được hỗ trợ và thông tin như những người thạo tiếng Nhật.
Lợi ích cho cả các mẹ Nhật
Một số người đặt câu hỏi liệu có nên dành nhiều nguồn lực hơn để giúp đỡ các bà mẹ nước ngoài trước hay không, trong khi các bà mẹ người Nhật cũng đang gặp khó khăn. Cô Tomomi tin rằng việc xây dựng mạng lưới hỗ trợ các bà mẹ nước ngoài cũng sẽ mang lại lợi ích cho các bà mẹ người Nhật.
Để tạo điều kiện cho những lợi ích chung này, Tomomi đã tổ chức các buổi gặp gỡ giao lưu thường xuyên để các bà mẹ từ các nước khác nhau có thể trao đổi về cách nuôi dạy con và học hỏi những ý tưởng mới từ các nền văn hóa khác.
Các bà mẹ nước ngoài thường cảm thấy cần phải tuân theo những hướng dẫn nghiêm ngặt hoặc cách nuôi dạy con ghi trong sách vở của Nhật Bản. Họ lo lắng rằng nếu con cái hoặc cách nuôi dạy con của họ khác những tiêu chuẩn này dù chỉ một chút thì có nghĩa là họ đã làm không đúng.
Những bà mẹ người Nhật như cô Muramatsu Megumi nói rằng những buổi gặp mặt cũng là cơ hội quý giá đối với họ. Megumi có 3 con, từ 1 đến 7 tuổi. Cô cho biết cô cảm thấy hình mẫu làm mẹ của người Nhật, vốn thường được củng cố qua những cuốn sách hướng dẫn nuôi dạy con nghiêm khắc, là một gánh nặng đối với cô. Cô nói rằng các nhóm hỗ trợ truyền thống chỉ khiến cô thấy bất an thêm về việc mình có phải là một “người mẹ tốt” hay không.
Megumi nói: “Trong các nhóm chỉ có toàn người Nhật, tôi thường so sánh mình với những người khác… và tự hỏi liệu mình làm có đúng không. Còn ở đây, tôi không phải lo lắng nhiều nữa. Tôi có thể nhìn nhận việc nuôi dạy con một cách tự do, cởi mở hơn”.
Megumi nói rằng cô cảm thấy nhẹ nhõm và bớt bị phán xét hơn sau khi tham gia buổi gặp gỡ giao lưu do Tomomi tổ chức. Cô cảm thấy thoải mái và lắng nghe về triết lý nuôi dạy con từ những bà mẹ đến từ các nước như Myanmar, Việt Nam và Pháp.
Tomomi cho biết người Nhật thường nghĩ rằng việc thu hẹp khoảng cách văn hóa chỉ hữu ích trong việc giúp người nước ngoài thích nghi với Nhật Bản. Tuy nhiên, cô cho rằng đó là con đường 2 chiều, mang đến cơ hội quý giá để phát hiện những quan điểm mới từ các nền văn hóa khác. Cô hy vọng Mother’s Tree Japan có thể giúp mọi người thuộc mọi tầng lớp xã hội nuôi dạy thế hệ tiếp theo một cách dễ dàng hơn.
Nguồn: NHK